(bài thơ "Đi về phía không nhau" - Tác giả Trần Nhã My)
Đi về phía không nhau
Có ghế đá con khỉ bị nhốt trong chuồng nhìn thấy
Một tối, hai tối, ba tối
Trong ánh đèn sao trăng nhập nhoạng
Hai người không nhìn mắt nhau
Thủ thỉ điều gì rất ngọt
Họ lắng trong nhau
Làm sao mà nghe được
Có cây Kơnia góc đường nhìn thấy
Nơi ngã ba, hai người chia tay
Một tối
Chân khấp khểnh họ gặp khi nào
Kơnia ngủ quyên không biết
Hai tối
lại bye bye
Tay dư dài thừ mứa
Không kéo được nhau
Ba tối
Nghèn nghẹn không nói bất cứ câu nào
Có vòm mây bạc trên kia kể lại
Hai sinh vật bé xíu di chuyển lên bloon
Ghế đá, khỉ, Kơnia làm sao thấy được
Họ bay về phía ngược nhau
Tít mù
"Đi về phía không nhau". Cái tên ngân ngấn lệ - Một truyện tình như tự sự, mà như thực, như mơ. Người viết hóa thân, hòa cảm xúc của mình vào và thông qua cây lá, cảnh vật xung quanh thay lời, đôi khi ghìm tiếng nấc trong từng nhịp thở, trong từng dòng nước mắt mà tự nó cứ trào ra thấm vào lòng độc giả...
"Có ghế đá, con khỉ bị nhốt trong chuồng nhìn thấy/ Một tối, hai tối, ba tối.../ Trong ánh đèn sao trăng nhập nhoạng/ Hai người không nhìn mắt nhau/ Thủ thỉ điều gì rất ngọt/ Họ lắng trong nhau"
Lối diễn tả giàu hình ảnh của "Một tối, hai tối, ba tối..." Tác giả muốn thông qua thời gian và không gian hẹp để xâu chuỗi những hình ảnh, những tình cảm ngọt ngào của một cuộc tình đọng qua từng tối. Chính từ những đêm đầu gặp nhau ấy, từ những nỗi niềm riêng nào đó của mỗi người hình như đã tạo nên rào cản làm cho mối tình của họ trở nên lặng lẽ và trong sáng hơn "Hai người không nhìn mắt nhau" nhưng tất cả những chất chứa đầy vơi trong lòng tự nó trào dâng "thủ thỉ điều gì rất ngọt, họ lắng trong nhau" Cái lắng tưởng chừng không thể kéo nhau ra được, vừa trong sáng, vừa thầm kín mà yêu thương da diết đến tận cùng.
Cũng với lối diễn tả một tối, hai tối, ba tối...lại được lập lại trong thời điểm họ phải chia xa:
"Có cây Kơnia góc đường nhìn thấy/ Nơi ngã ba hai người chia tay/ Một tối/ Chân khấp khểnh/ Họ gặp khi nào..." ?..."Hai tối/ Lại bye bye/ Tay dư dài thừa mứa/ Không kéo được nhau"
Tại sao - Ngọt ngào là vậy, thừa mứa là vậy mà cứ tự nó căng ra - Phải chăng tình cảm ấy đã đến với họ muộn màng ngoài số phận, hay có uẩn khúc đớn đau gì mà sự đấu tranh giằng xé trong mỗi người đến mức mà dù vòng tay của nhau có rộng dài tình chứa đến đâu cũng không thể thắng nổi lý trí, không thể níu kéo được nhau.
"Ba tối/ Nghèn nghẹn không nói bất cứ câu nào" và "Họ bay về phía ngược nhau/ Tít mù"
Sự vật vã tưởng như vắt kiệt ruột gan, tâm hồn, lý trí giữa cái sâu đậm đang chờ đón họ với cái thực tại đang có trong mỗi con người, sự xót xa đau đớn đến mức cùng cực ấy. Tất cả đã nén vào cõi lòng chỉ còn lại nước mắt, chỉ còn lại nghèn nghẹn, lưu luyến chia xa và hình như tất cả những gì đã có của ngần ấy thời gian bên nhau cũng dồn vào đủ ngần ấy thời gian cho những ngày chia biệt.
"Đi vê phía không nhau" Bài thơ giản dị, không cầu kỳ tưởng như không gọt đẽo mà nhẹ nhàng, sâu lắng, mộc mạc mà thân thương. Cách viết mới, chọn điệp từ, khung cảnh và thời gian đắt đã diễn tả được tâm trạng rất bản thể, rất truyền thống của những đôi lứa khi yêu nhau và cả khi sắp phải chia xa.
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ, trái tim cứ đập dồn, khi giãn ra theo từng con chữ, lúc thắt lại như muốn bùng lên theo nỗi nhớ cùng tác giả. Thương và yêu cả hai người, cả ghế đá, con khỉ trong công viên cả cây Kơnia đứng ở góc đường và cả vòm mây bạc.
Họ chia tay nhau thật rồi mà như không phải thế. Một quyết định thực tế, dứt khoát, có hậu và đầy nước mắt chỉ xảy ra ở đêm gặp nhau cuối cùng, phút cuối cùng và bước chân cuối cùng...
Sự chia tay mà cả độc giả, cả ghế đá, con khỉ và cây kơnia cũng ngân ngấn lệ, xót xa và luyến tiếc. Chính vì điều đó mà trong họ xứng đáng không tồn tại một cuộc chia ly.
Họ mãi mãi mang trọn tình nhau bay trong đời thực ngược nhau tít mù...
Trân trọng cảm ơn anh Nguyễn Thế Yên có baì viết cảm nhận rất tinh tế, sâu sắc, đầy phát hiện và chia sẻ đối với bài thơ "Đi về phía không nhau" của em. Mong được anh thường xuyên thăm Hoa Nhã my đọc thơ em và có những bài cảm nhận thú vị nữa.
Trả lờiXóaCảm ơn Thanh Nhã đã đến thăm.Chúc bạn giữ gìn phong cách thơ độc của mình và còn nhiều tác phẩm hay hơn nữa.
Trả lờiXóa