Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Tổ quốc sau một đêm thức dậy

Nguyễn Thế Yên












Tổ quốc sau một đêm thức dậy
Biển sục sôi, sóng đánh ngang thềm 
Quân phương bắc bao năm rình rập
Đêm qua tràn chiếm biển ông cha

Trơ tráo giàn khoan thậm đỏ một màu
Màu của máu hút từ lòng sông núi
Mũi khoan sắt như chiếc vòi bạch tuộc
Cắm tận tầng cốt nhục tổ tiên

Đã mấy ngàn năm dâu bể sinh tồn
Có cả ngàn năm lầm than thuộc bắc
“ Trái đất ba phần tư nước mắt”
Nơi nhuốm hồng nước mắt Việt Nam tôi!

Tổ quốc sau một đêm thức dậy
Triệu triệu trái tim đập dồn về Hà Nội
Một nỗi niềm chung tràn dâng lấp lánh
Trời Ba Đình chớp sáng bừng lên

Đảng và dân kết nối một tiếng lòng
Tế bào lạ có tự thân loại thải?
Trước giặc ngoại xâm, dân là vành đai thép
Mũi khoan sâu kích hoạt khối căm hờn

Tổ quốc sau một đêm thức dậy
Du đổ “Mười sáu chữ vàng'' viển vông xuống biển
Mặt trời hừng lên bọt tung sóng đỏ
Dải đất hình chữ S cựa mình

Màu đỏ sắc vàng lan từ Lũng Cú
Tới mỗi mái nhà, trường học, cơ quan
Trên má trẻ thơ, trên áo người xuống phố
Trên những con tàu rẽ sóng ra khơi

Và trên khắp vùng, miền, gò, bãi  
Hàng ngàn em nhỏ xếp hình tổ quốc
Hàng vạn người cùng hát quốc ca
Nước mắt lăn dài…

Bên ban thờ, tôi thắp một tuần nhang
Thỉnh cáo tổ tiên và dâng lời thưa Bác
Hương bùng cháy, lòng tôi bỏng cháy
Bác ung dung một nụ cười hiền…

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Thức với " Mảnh vườn thao thức"

(Đọc tập thơ "Mảnh vườn thao thức" của Nguyễn Thế Yên, Nhà xuất bản HNV-2014)
    Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc

 Ở đời, việc gì cũng vậy, chưa biết thì chưa sợ. Người ta bảo điếc không sợ súng là như thế. Ở làng thơ cũng vậy. Khi được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều với cây cao bóng cả. Đọc thơ họ, hiểu được tầng tầng lớp lớp kiến văn sâu thẳm, mà tác phong lại khiêm nhường đến cổ kính của họ,  tôi mới thấy nể sợ thơ. Ấy là thơ đích thực. Biết sợ, là biết giới hạn thơ mình đang ở đâu, là biết người biết ta, để mà rèn giũa trong sáng tác.

Được gặp Yên, chuyện trò tâm giao, có lần tôi hỏi, thơ Yên được lắm, thế mà tại sao ở tuổi ngoài năm mươi mới in tập đầu đời "Giọt lắng". Yên giọng rụt rè bảo: Em sợ, sợ gì? Sợ thơ mình chưa tới, chưa đâu vào đâu cả. Thơ em chủ yếu giữ lại cảm xúc, tình yêu, nỗi đau và luyến nhớ cõi riêng mình. Tôi cười, bảo: Biết sợ thơ là biết thơ hay dở, là cảm được thơ, là cả một quá trình của đam mê và nhận thức đấy. Sợ thơ còn là tâm thế của kẻ viết, của kẻ sỹ trong hành trang dằng dặc văn chương đời người.

 Sau tập thơ “ Giọt lắng” anh được kết nạp là Hội viên Hội VHNT Phú Thọ. Cuối năm được tỉnh trao giải C.  Anh đã có chùm thơ in trên tuần báo Văn nghệ, và nhiều báo, tạp chí khác. Tôi quý anh cũng là vì thái độ đối với văn chương. Yên chấp nhận thử thách và khiêm nhường học hỏi.