Nhà thơ Nguyễn Đình Phúc
Ở đời, việc gì
cũng vậy, chưa biết thì chưa sợ. Người ta bảo điếc không sợ súng là như thế. Ở
làng thơ cũng vậy. Khi được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều với cây cao bóng cả.
Đọc thơ họ, hiểu được tầng tầng lớp lớp kiến văn sâu thẳm, mà tác phong lại
khiêm nhường đến cổ kính của họ, tôi mới thấy nể sợ thơ. Ấy là thơ đích
thực. Biết sợ, là biết giới hạn thơ mình đang ở đâu, là biết người biết ta, để
mà rèn giũa trong sáng tác.
Được gặp Yên, chuyện
trò tâm giao, có lần tôi hỏi, thơ Yên được lắm, thế mà tại sao ở tuổi ngoài năm
mươi mới in tập đầu đời "Giọt lắng". Yên giọng rụt rè bảo: Em sợ, sợ
gì? Sợ thơ mình chưa tới, chưa đâu vào đâu cả. Thơ em chủ yếu giữ lại cảm xúc,
tình yêu, nỗi đau và luyến nhớ cõi riêng mình. Tôi cười, bảo: Biết sợ thơ
là biết thơ hay dở, là cảm được thơ, là cả một quá trình của đam mê và nhận
thức đấy. Sợ thơ còn là tâm thế của kẻ viết, của kẻ sỹ trong hành trang dằng
dặc văn chương đời người.
Sau tập thơ “
Giọt lắng” anh được kết nạp là Hội viên Hội VHNT Phú Thọ. Cuối năm được tỉnh
trao giải C. Anh đã có chùm thơ in trên tuần báo Văn nghệ, và nhiều báo,
tạp chí khác. Tôi quý anh cũng là vì thái độ đối với văn chương. Yên chấp nhận
thử thách và khiêm nhường học hỏi.
Ngoài đời, ít khi
thấy Yên tranh luận văn chương, mà nếu có tranh luận, tôi thấy anh
có lý rõ ràng. Bằng cứ là cuối năm 2011, khi anh in tập thơ đầu tay "Giọt
lắng", NXBHNV. Tự thấy có phần vội vàng, thì giữa năm 2012 đã thấy anh hì
hục, sữa chữa, tái bản tập thơ này. Yên bảo, em tái bản chủ yếu là để đính chính, tạ
lỗi với bạn đọc, đồng thời rút ra bài học đáng nhớ cho mình. Tôi dám chắc chẳng
mấy ai lại tự bỏ tiền túi, bỏ công sức để in lại ngay tập thơ vừa xuất bản, vì
không hài lòng như Yên, mặc dù kinh tế gia đình anh chẳng dư dật gì. Những việc
làm này cho thấy anh không dễ dãi với mình, trân trọng độc giả và có trách
nhiệm với sáng tác đến thế nào.
Đọc 39 bài thơ, trong
tập " Mảnh vườn thao thức" vừa xuất bản đầu năm 2014, ta
Không còn thấy cái nhớn nhác, cái ngầu ngậu, oán trách cuộc đời oan trái, bất
công và tâm trạng bời bời ở tập trước. Thơ anh ở tập sau, điềm tĩnh hơn, nguôi
ngoai hơn sau nỗi đau liên tiếp đổ xuống gia đình anh. Tuy nhiên vẫn thấy ở Yên
sự thảng thốt phận người, phận đời gửi vào câu chữ, vừa là sự dãi bày cảm xúc
nghiệt ngã nhân thế, vừa là cuộc chốn chạy sự giằng xé nội tâm, ẩn dật nỗi đau
định mệnh, làm cho anh chênh chao, khốn khổ.
Trong tập thơ, lúc ta
thấy anh vừa như e dè lo lắng, vừa như hồi hộp cuống quýt trước cái mới lấp ló
ra đời:
Lộc nằm buốt một cõi chờ/ Chồi trên mắt rét còn ngờ nõn xanh…
Lộc nằm buốt một cõi chờ/ Chồi trên mắt rét còn ngờ nõn xanh…
Hay: Kén vàng treo ngược
cành lê/ Nghe hương cúc cuống cà kê đạp đầu (tình xuân).
Lúc lại thấy lạnh buốt
từ những hiện tượng đi, ở của tự nhiên mà xao cảm phận người:
Bên những lá vàng nằm
thanh thản/ Sấp ngửa nhiều những chiếc còn xanh/ Có chiếc lá lìa cành tức tưởi/
Chiếc lắt lay rơi mãi chẳng yên bề
(Đi trong nghĩa trang
nghĩ về oan hồn)
Lúc cuồn cuộn va xiết
bởi hiện tượng mưa gió thất thường gây hậu quả khôn lường, mà do con người tòng
phạm gây ra:
Mưa/ đất trời đằm
xuống/ giọt giọt rơi háo hức về nguồn/ Vừa chạm núi đã đỏ dòng thác lở/ băng băng về
cõi không màu (dòng sông đất)
Lúc ta lại thấy anh hụt
hẫng, bất bình cái trò chơi "bắt, thả", trước cảnh phóng sinh quanh
quẩn. Câu thơ như điệp khúc cảnh tỉnh, như tiếng chuông chùa thảng mặc, cứ lịm
dần, lịm dần:
Vẫn cánh đồng hôm
trước/ Vẫn đàn chim hôm trước/ lại mắc lưới sa chân/ lại sang chùa ban phúc/
Bắt- thả/ Bắt thả/ Bắt- thả/ Đàn chim/ Vơi dần/ Vơi dần/ Vơi/ Dần…
(phóng sinh)
(phóng sinh)
Lúc lại thấy anh hớt
hải trong mộng ảo:
Ta còn em/ bóng chàm trong mộng/ tự núi nào thả xuống đọa đày ta/ đi
tìm em ngược đường xưa ngày cũ/ giữa tim mình mà như lạc bến xa
(Bóng chàm)
Chỉ thể thôi cũng có
thể khẳng định, người thơ này thật mong manh trong cảm xúc. Đọc thơ anh, cảm
giác thấy những hiện tượng thiên nhiên, mưa gió hay phận người, tái hiện nhiều
lần trong tập. Anh run rẩy và đồng hiện với chúng ở trên mỗi trang thơ. Thơ tuy
ít nói về gió, nhưng đâu đó cứ như nguồn cơn của những biến động, trong biến
đổi hay ghi nhận tâm trạng của nhân tình thế thái. Ta luôn bắt gặp những cơn
gió đang lay động cõi hồn ta, đay trở ám ảnh, trong từng cung bậc và trạng
thái của thơ:
Tết này anh về thúc
lửa/ Ôm nồi bánh chưng/ Chín nhừ ngày ly biệt/ Trời tây/ Lại tuyết rơi/ Khoảng
trời quê/ Lá rơi… ( Bên nồi bánh chưng quê).
Cái thảng thốt của cách
biệt: Anh về nhà ăn tết, bởi chẳng mấy khi ở trời Tây anh về, bên nồi bánh chưng mà như chưa hẳn anh đây, như anh còn đi mù tăm, chỉ còn tiếng của gió,
của tuyết rơi hay tiếng lòng khắc khoải vọng về.
Đạt được sự thảng thốt
trong thơ anh như thế, chính là chạm đến đáy mong manh của cõi hồn, như nhập
nhòa tìm cái gì đó, mất cái gì đó, thừa cái gì đó, thiếu cái gì đó, đến vơ vẩn.
Nó cho tôi cảm giác nhiều khi những hiện tượng bất thường của cảnh vật trực
giác tâm trí Yên như một thứ hàn thử biểu. Đọc thơ Yên tôi bỗng liên tưởng đến
câu thơ của nhà thơ Hữu thỉnh "Tôi như cây biết giấu lá vào đâu/ Nếu giấu
lá thì không còn bóng mát/ Bóng mát mà không che nổi chính tôi". Yên cũng
như một thứ cây, mưa sa bão táp ngoài đời ập xuống, cứ lơ ngơ hứng chịu bị vùi
dập. Nhưng không còn bóng mát thì cây đâu còn là cây nữa. Nhưng đã chấp nhận
phận là cây thì đâu cần giấu lá. Con người cần tâm thế của cây đời, cần phải
học ở cây, chấp nhận dãi dầu thân phận thử thách để dưỡng tâm dưỡng trí. Đạt
đến cái tận cùng thiên nhiên như cây, chính là đạt đến cái "ngộ" của
đạo lý.
Yên có cách đặt tên các
bài thơ trong tập như những cơn gió hỗn mang vọng động, tuy không gọi tên
nhưng ẩn ức bắt ướt trên lá cành, tâm trạng:
Đảo bọt, Dòng sông đất,
Vũng tàu đêm ngược sóng, Cánh hoa bạt gió, Cánh đồng hao gầy, Cô đơn em, Bóng
chàm, Niềm tin đi hoang, Trốn đông, Đáy hồ mặt phố…
Đứng trong nghĩa trang
có con mình, Yên tưởng tượng thấy ngổn ngang mộ chí, những người chết như còn
phiêu bạt, những oan hồn còn đang la hét, anh bật lên câu thơ như xoáy lốc vào
địa mộ: Họ đã yên nơi vĩnh hằng
cội lạnh/ Hay tai ương, địch họa vẫn theo về/ Và trên đầu ai cầm gió bẻ cây/ ơi
nhân thế- cõi trần- ôi nhân thế.
(Đi trong nghĩa trang
nghĩ về những oan hồn).
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi,
mang suốt đời tật bệnh đau đớn. Anh đã tìm được nguồn cảm hứng từ thơ, vin vào
thơ để sống đẹp trong nghệ thuật sáng tác và bắt nhịp vào thể thơ lục bát, anh
say sưa chiêm nghiệm với thơ, rút ra cái nghiệm số để sống chậm, để như kéo dài
tuổi thọ của ý nghĩa cuộc sống. Với Yên, cũng bằng những câu thơ tìm tòi, mượn
cái nhâm nhi, tí tách từng giọt cà phê mỗi sáng để suy ngẫm sự đời, cân chỉnh
tư duy, lẽ đời, xoa dịu nỗi đau và tìm về cái thiện của bản ngã. Sống chậm để
thao thức, để cởi lòng, để tin yêu, thư thái:
Cà phê/ Phấn khích một
ngày mới/ Đời cứ trôi/ Ta sống chậm hơn/ Bên bầu bạn cởi lòng/ Yêu thương tìm
sâu lắng/ Giấc đơn côi như được vỗ về ( Cà phê chậm).
Với "Mảnh vườn
thao thức": Anh đã có tập thơ góp những tiếng thơ run rẩy lẽ đời, mong
manh thân phận, những cảnh đời ngang trái, niềm thơ day dứt, thiện tâm và xao
động. Thơ anh tuy ít tính can dự thời cuộc nhưng yêu gét rõ ràng… Gam thơ đậm
màu xám mà vẫn thấy yêu mến, thiết tha cảnh vật, được tận sống bởi nhịp thơ hối
thúc. Trong đời sống mưu sinh bày biện, đã có sự lạnh nhạt nhiều với văn
chương, cái vô cảm bao chùm đâu đó, thơ anh còn như tín hiệu "Ngược
sóng", thức tỉnh về cách hành sử giữa con người với con người và con người với vạn vật
thiên nhiên.
Tôi trích mấy
dòng thơ dưới đây, chúng tự nói phần nào về lối viết, lối cảm, hay phong
cách thơ của anh trong tập:
Hoa xoan hé nụ mong
manh/ Đã mơ ngày rụng và lành ngõ quê (Tình xuân)
Dã tràng xe cát cả đời/
Ru ta nguôi những khóc cười đắng cay
Lặn bơi vùng vẫy mê
say/ Đâu trong ngấn nước tháng ngày mồ hôi (Tắm biển)
Hội chiều bóng núi đổ
theo em/ Ngơ ngẩn mình ta cuối con đường/ Giếng Ngọc lỡ in hình với bóng/ Để
hồn theo cả bước người dưng… (Em lên đền Hùng)
Em hái từ đông lạnh/ Nụ
hoa sen hồng/ Như ngắt về hơi thở đầm sen/ Có bóng hình người con gái chở đầy
thuyền hoa/ Dưới trăng khuya cóng lạnh mặt hồ… (Trà sen Tây hồ)
Ơi sơn nữ/ Vườn xuân
chưa thành lối/ Loài hoa xanh hoang hoải đến bao giờ/ Sao không bỏ bùa ta buổi
ấy/ Hú ta về làm bóng cả rừng em (Bóng chàm)
Đấy là Yên đấy, yên mà
nào có yên được đâu, thơ anh thảng thốt, lãng mạn và cô đơn lắm. Lãng Thanh đã từng viết: "Sống giờ đây
em sống thiếu cô đơn/ Cô đơn nhỏ nhoi là hạnh phúc/ Em mang nợ tháng ngày cô
đơn/ phút giây được là mình, không gian thuộc về mình, nguồn gốc đam mê và sáng
tạo" ta thấy tính dự báo và đúc kết triết lý sống đến cô đọng, thì có thể
coi sự cô đơn run rẩy thơ anh nó như vốn tự có rất cần cho rung cảm tự nhiên
của cõi thơ, của thi sỹ. Và nếu trách rằng, thơ anh lãng đãng, tản mát, mạch
thơ còn rời rạc, tứ thơ lan man, thì cũng là chuyện bình thường, vì cái tâm cái
tính nó vốn thế. Anh là một thứ cây mà, sợ đấy, run rẩy đấy, thảng thốt đấy,
nhưng là cây ở "Mảnh vườn thao thức". Nếu phải khuyên một câu gì đó
thì mong thơ anh, chú ý mở biên độ thơ, chú trọng tính tư tưởng , tính can dự
thời cuộc lớn hơn, mạch thơ cần sáng sủa hơn. Xin chúc anh, thẳng đường thơ đã
chọn.
Việt Trì, tháng 6 năm 2014
NĐP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét