Vừa chợp mắt, mưa bão đùng
đùng ập tới, cái lều lắc lư muốn đổ, mấy mảnh nhựa cũ trên mái bung ra nước
chảy ào ào. Thắm ngồi dậy thu lu một góc như con chim lạc bầy, mắt thẫn thờ
nhìn vào thẳm đêm. Thỉnh thoảng những tia chớp loằng ngoằng rạch ngang bầu trời,
bỏ lại những chuỗi sấm đùng đoàng làm giật thót mình, Thắm nhớ lại những tiếng chửi
mắng chát chúa khôn nguôi, những cú bạt tai tối sầm mặt mũi khi còn sống trong
“địa ngục” nhà chồng…
Ngày ấy Thắm mười bảy tuổi, con út trong một
gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại đột ngột ra đi trong một chiều xuống
sông gánh nước, Thắm ở với anh trai. Bản thân có chút nhan sắc lại hiền lành dễ
thương, những tưởng sẽ có một tương lai không đến nỗi nào. Bỗng một chiều có hai
bà khách đến nhà, dúi cho anh trai một bọc gì vuông lắm. Hôm sau anh tậu đâu về
cái ti vi màu 24inch còn ấn vào tay Thắm bộ quần áo mới, chị dâu cuống quýt mổ
gà. Trong bữa cơm anh nói: “Người ta hỏi em về làm dâu, anh đã đồng ý vì họ giàu
lại ở thành phố, em về nhà họ sẽ sung sướng. Thôi không cần đi đâu nữa, hãy chuẩn
bị đám cưới”.
Thắm đi lấy chồng, đám trai
làng ngẩn ngơ, xóm trên thôn dưới trầm trồ. Về nhà chồng, Thắm bàng hoàng như chết
đứng. Khôi, chồng Thắm bị thọt chân bẩm sinh, tâm chí lại không được như người.
Mẹ chồng ốm liệt giường đã nhiều năm và Khôi đã có một đời vợ. Vợ cũ của anh,
trước là người làm thuê, sau chuyển sang làm “ô sin không công”, chắc cực quá bỏ
đi biệt xứ. Là kẻ thế thân người đi trước, Thắm khóc ròng mấy ngày rồi bỏ về kể
với anh trai. Anh tỉnh bơ như không bất ngờ còn lên giọng an ủi: “Chồng cô là con một, mọi
tài sản nhà ấy sau này là của cô”, Thắm gào lên phẫn nộ, anh tuyên bố cấm cửa, đuổi
Thắm đi. Hiểu ra mình là món hàng đã bán, Thắm nhắm mắt đưa chân về hầu hạ nhà
người. Cuộc sống lam lũ, tối tăm cứ lặp đi, lặp lại hàng ngày cho tới khi đứa
con trai khỏe mạnh của Thắm chào đời, nguồn động viên an ủi lớn lao, niềm hạnh
phúc và hy vọng vô bờ đã phần nào dịu nỗi buồn đau và cũng là sợi dây buộc Thắm
với nhà chồng.
Hôm gia đình có giỗ. Khôi
được bố cho uống rượu say vào phòng ngủ li bì. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, Thắm
ngồi phòng khách cho con bú và vỗ về con ngủ. Vừa đặt con vào nôi, bất thình
lình có tiếng gọi nhỏ: “Thắm! Bố đây”, Thắm quay lại vừa lúc bố chồng choàng tay
ôm ghì lấy Thắm, dù chống cự, đẩy ông ra nhưng vô vọng. Ông nói nhỏ nhưng gằn
từng tiếng vào tai Thắm: “Không sao cả, nếu mày nghe bố, còn mày kêu lên hoặc
nói cho ai biết thì tao giết mà không ai biết là tao giết mày”. Vừa phẫn uất vừa
sợ, chiếc áo mỏng của Thắm mặc trên người bung mấy cúc, đôi bầu ngực đang nuôi
con căng mọng tuột ra, sữa túa đầm đìa. Lập tức mồm ông chụp lấy môi Thắm, một
tay ghì đầu, toàn thân ông đè xuống. Thắm chưa kịp định thần thì ông đã kịp làm
cái điều mà bấy lâu ông vẫn từng thèm muốn. Hai hàng nước mắt ứa ra theo từng nhịp
tràn xuống nền nhà. Trong phòng vẫn tiếng gáy đều đều của chồng, tiếng thở dài
khe khẽ của mẹ hắt ra…Nằm bất động rất lâu Thắm vẫn không hiểu nổi điều gì đang
sảy ra trong cái nhà này, rồi ôm chiếc nôi quay cuồng cho tới khi trời sáng.
Từ đêm ấy, cứ mỗi khi một
mình trong phòng, hay trong bếp, Thắm lại bị ông quấy rối. Chồng thì ngơ ngơ,
ngác ngác, làm cả ngày không xong một việc, nói cả phút không được một câu. Còn
mẹ chồng, cũng từ đêm ấy ánh mắt bà nhìn Thắm lạ lắm. Lạ nhưng không phải là giận
mà vừa như xa xôi lại vừa như thương cảm, có lẽ nằm đó nhưng bà biết mọi chuyện
mà ứ nghẹn không thoát ra lời.
Buổi chiều, Thắm kéo quần áo mang vào phòng cho
ông, ông chốt cửa đẩy Thắm lên giường. Không thể chịu đựng được nữa, Thắm kêu
lên. Ông sầm sầm mở cửa tát Thắm mấy cái và quát: “Con đĩ già mồm! Vào lả lơi
bố chồng còn giở trò la lối”, Khôi khập khiễng bước sang chả hiểu gì, tức tối đuổi
Thắm đi, Thắm giận quá đi luôn. Đêm dài lang thang trên phố, đói rét co ro, nghĩ
đến đứa con trai khát sữa, lại quay về. Từ đó, nhiều lần Thắm bị bố chồng viện
cớ đánh đập, khu phố phong thanh hỏi chuyện bố chồng nàng dâu, ông nói: “Khổ
lắm cái Thắm nhà tôi nó rồ, ăn nói lung tung, cứ hỏi thằng Khôi thì rõ”.
Mẹ chồng ngày càng yếu đi, đêm
nào Thắm cũng phải túc trực bên bà. Mấy tháng sau bà qua đời do hơn mười ngày ngậm
miệng kiên quyết không ăn. Khi chút hơi thở cuối cùng hai mắt bà đọng lại hai
bờ nước mắt, bàn tay vẫn nắm chặt lấy bàn tay con dâu. Từ ngày bà mất, Thắm trở
nên lạnh lùng, và bất cần hơn, có lần bị bố chồng ức hiếp, Thắm còn dọa làm đơn
tố cáo ông. Thắm khóc rất nhiều, chả thiết ăn, chả thiết làm, thỉnh thoảng lại
bỏ đi lang thang, có hôm về khuya vì nhớ con lại bị bố chồng nhiếc móc, ông còn
đem đồ đạc, bát đĩa đập tan hoang rồi lu loa với hàng xóm là Thắm lên cơn phá
phách. Ra đường, đầu tóc rũ rượi, quần áo tả tơi, trẻ con rồng rắn đuổi theo Thắm
cũng chả nói gì. Người lớn gọi “Thắm rồ ơi!” Thắm cũng không nói lại.
Sáng, vừa mở mắt, mặc dù trời chuẩn bị mưa.
Thắm vẫn bị bố chồng đuổi ra khỏi nhà, ông quăng hết quần áo của Thắm ra hè.
Khôi đứng đó lắc lư cái mặt chả nói được câu nào, lững thững đi vào. Thắm chạy
đến ôm con khóc nấc lên, ông giằng lấy thằng bé, đẩy Thắm ra. Thằng bé khóc chạy
theo mẹ, ông giữ lại, dọa như ông vẫn thường dọa nó: “Mẹ mày rồ không biết gì
cả, lại gần mẹ bắt cho vào bao tải ném sông đấy”. Thằng bé lại chạy lại ôm ông,
còn Thắm ôm hành lý ra đi như một con rồ bỏ nhà với khuôn mặt đẫm đầy nước mắt…
…Tiếng còi xe tải rú trên đường
làm Thắm giật mình. Mưa đã tạnh, trời đã sáng. Những dòng nước đục ngàu vẫn nối
nhau chảy qua lều đổ xuống bờ sông, mấy tia nắng xanh nghiêng xiên qua mảnh
nhựa rách rọi vào mắt chói nhòe, Thắm đứng lên sửa lại căn lều.
Đây là cái lều thứ ba phải dỡ,
chuyển và dựng lại kể từ ngày bị nhà chồng đuổi đi. Lần đầu tiên Thắm đến vườn bạch
đàn, khu đất nằm trong quy hoạch của thành phố dựng lều tá túc. Mấy tháng sau
có đôi vợ chồng trẻ đến mở quán. Nghe đâu chúng là cháu ông chủ tịch phường, ở
quê không có việc làm lên đây kiếm sống. Thằng chồng chắc kém Thắm chục tuổi, cứ
mỗi khi Thắm ra khỏi lều là mò sang phá phách, tối đến còn ném đá, chửi Thắm là
con rồ làm ô uế phố phường. ô uế quán nó, bực mình Thắm chửi lại, nó cằm dao bầu
hùng hổ bước sang chặt phăng một cái cột và dọa: “Ngày mai nếu mày không rời
khỏi đây thì cổ mày đứt như cái cột này, rõ chưa”. Hôm sau Thắm đành dỡ lều, dọn
đến bãi rác trung chuyển của thành phố cách đó vài trăm mét, ngay lập tức nó
treo mấy cái võng dù vào mấy cây bạch đàn nơi Thắm vừa dỡ lều cho khách vào
quán nó có chỗ nghỉ ngơi.
Nơi Thắm chuyển đến vì là
bãi rác nên không sạch sẽ nhưng gần sông lại thuận tiện cho việc nhặt ve chai hàng
ngày, vậy mà mong ước nhỏ nhoi của cuộc sống thấp hèn cũng đâu được bình yên.
Tối đó, Thắm vừa xuống sông tắm giặt về đang ăn cơm, lão Được trưởng khu có bãi
rác, uống rượu đâu về mò vào. Lão ngày xưa cả đời công tác chỉ là chân chạy vật
tư quèn của một công ty nhà nước, mấy năm nghỉ hưu, hăm hăm hở hở mới được làm cái
chức trưởng khu, ngày nào cũng xách cặp từ nhà ra phường, từ phường về nhà mà
không hiểu trong đó có gì. Lão nói lời yêu đương, tán tỉnh Thắm. Của đáng tội,
suốt ngày lủi thủi một mình không ai chuyện trò, giờ có ông cán bộ hạ cố đến
chơi kể cũng vui. Lão lân la nhích dần, nhích dần. Cũng không thể ngờ lão manh
động và thô bỉ đến nỗi vồ lấy Thắm đè xuống mà không đợi Thắm ăn nốt bát cơm.
Mồm lão thều thào: “Em! Anh thương em mà, anh sẽ bảo vệ cho em” Thắm hét lên,
đẩy lão ra, hình như hơi men làm lão phấn khích như hổ đói vồ mồi mà con mồi lại
là một phụ nữ yếu hèn, cố cùng như Thắm. Giằng co mãi, cuối cùng lão cũng được
thỏa thuê. Xốc lại quần áo, lão lấm lét bước ra như lấm lét khi vào còn dúi vể
phía Thắm một bọc ni lông. Thắm ngồi dậy lau cơm canh vương vãi trên giường, vặn
to ngọn đèn dầu rồi tò mò mở bọc ni lông. Vừa tháo nút buộc ra, mùi thịt chó
mắm tôm bốc lên nồng nặc. Trong những hỗn độn có chả; dồi; nhựa mận; cả những
miếng thịt hấp ăn dở và mấy mảnh dưa. Thắm buộc lại như cũ, cởi hết quần áo trên
người ào xuống sông tắm rửa …
Trưa, trời nắng như đổ lửa,
trên đường không một bóng người lão Được lại mò vào. Sau khi che lại bức cửa,
lão sà đến, tay thọc ngay vào hai bầu ngực chảy sệ của Thắm. Không thể chấp
nhận được nữa, Thắm đẩy lão ngã ngửa và quát: “Đủ rồi, ông bước ra ngoài ngay
lập tức, nếu không tôi kêu lên”. Lão xua xua tay, nhìn ra ngoài không thấy có
ai bèn lên giọng: “ Nếu mày kêu lên hay nói gì thì chả ai tin mày đâu con rồ ạ,
còn tao thì không tha cho mày, đã thế mày sẽ phải cuốn xéo khỏi đây,đồ ngu”.
Nói xong, lão lẻn ra bờ sông vòng lên đường biến mất. Mấy hôm sau lão hằm hằm dẫn hai thanh niên, xưng
là ban tự quản của khu yêu cầu dỡ lều, lý do là ảnh hưởng an ninh trật tự và an
toàn khu. Biết ý đồ ngầm xấu xa của lão nhưng nói ra đúng là không ai để ý, chả
ai tin con rồ mà không chừng lại còn hậu họa. Thắm dỡ lều, chuyển đi.
Ở đây được cái không những gần
sông lại nằm phía sau hàng rào của một công ty nước ngoài, ngoại vi thành phố
nên ít người biết đến mà vẫn không xa nhà chồng có điều lại gần đường quốc lộ,
xe cộ quá khổ, quá tải chạy rầm rầm suốt đêm. Nhiều lúc Thắm cũng muốn lang bạt
thật xa rồi chết đâu thì chết, song nghĩ đến đứa con trai tội nghiệp Thắm quẩn quanh
ở cái phường này cốt để được gần con. Dù bố chồng có chia rẽ tình cảm cũng
không thể ngăn được tình yêu của Thắm giành cho con nhưng trớ trêu thay chính
Thắm cũng chả dám đến gần nó sợ thằng bé bị tổn thương bởi mẹ nó là một bà rồ.
Hàng ngày Thắm phải nấp ở đằng xa ngắm con, thấy nó khỏe mạnh, nô đùa vui vẻ là
mãn nguyện rồi.
Buổi sáng oi nồng làm lụng vất
vả, trưa về chả muốn ăn cơm. Thắm vừa úp bát mỳ tôm đang ăn, lại một gã bảo vệ của
một công ty thập thững bước vào. Gã rút ra tờ năm mươi ngàn đồng, giọng lè nhè
kiểu dân làng chơi…Thắm bực mình đẩy gã ngã liêu xiêu, lổm ngổm bò dậy chửi thề
mấy câu rồi biến mất. Thay vì ngồi bức xúc, Thắm đạp xe ra bãi rác sớm hơn mọi
ngày. Đang hùng hục cào bới cho bõ tức bỗng có tiếng trẻ con khóc oe oe. Tiến
lại gần nơi tiếng khóc, một bé gái sơ sinh đang cựa quậy trong hộp xốp, người
nó tím tái. Không đắn đo, Thắm cởi áo chống nắng bọc lấy nó, bế về lều lau rửa,
may có bà cắt rau khoai gần đó thấy thế chạy vào, bà hớt ha hớt hải đi mua sữa cho
nó ăn rồi chạy về nhà thu vén đồ cũ của cháu bà mang ra. Thấy hoàn cảnh ngặt
nghèo của Thắm có người ngỏ ý muốn đón đứa trẻ về nuôi nhưng Thắm khước từ. Với
Thắm đó là cái duyên vì nếu hôm đó không đuổi được gã bảo vệ kia về sớm và Thắm
vẫn đi làm muộn như mọi ngày thì chắc gì gặp được nó và cũng không biết con bé có
còn tồn tại trên cõi đời này?
Thời gian đằng đẵng trôi đi như
chiếc lá trên dòng sông mùa cạn, mẹ con Thắm cũng chui ra chui vào trong túp lều
ọp ẹp cuối sông đã hơn chục năm ròng. Lúc còn nhỏ, Thắm địu con trước ngực để
đi làm, lớn hơn nó theo mẹ đi nhặt ve chai. Ngày ngày hai mẹ con lem luốc, lỉnh
kỉnh trên đường. Dù phải vất vả đèo bòng thêm đứa con nuôi nhưng với Thắm đó là
niềm hạnh phúc mà ông trời ban tặng. Thắm đặt tên con là Ngân Hà, có lẽ từ những
đêm đầy sao, Thắm ngồi bờ sông ngửa mặt lên trời kêu trời có thấu?. Chỉ có dải sao
khuya lấp lánh ẩn vào tâm tưởng…
Ngân Hà học đến lớp bốn, do
học kém lại bị bọn bạn trêu chọc là con bà rồ nên nó bỏ hẳn. Bù lại, càng lớn con
bé càng trắng trẻo, phổng phao và khỏe mạnh hơn người.
Bước sang tuổi mười ba, đám
thanh niên nhòng nhòng cứ qua lại trêu đùa, cả cái anh phó ban địa chính phường
tên Tiến cũng dòm ngó tán tỉnh, có lần rủ
nó đi hát karaoke nhưng nó không chịu.
Tối đó ăn cơm xong, Ngân Hà
kêu đau bụng. Thắm để con ở nhà một mình đạp xe vào phố lượm ve chai. Tiến rình
mò đâu đó, chớp cơ hội lẻn vào và dụ được nó ra. Vừa đến bờ sông, Tiến ôm ghì
lấy nó bế thốc về phía ruộng ngô rồi rải áo bạt bắt nó nằm xuống, nó hốt hoảng
van xin. Vừa cởi áo, Tiến vừa nói: “Ngoan, đừng sợ, anh sẽ cho quà, chớ có dại
dột chống cự hoặc kêu lên. Nếu trái lời, anh bóp cổ quẳng xuống sông, không ai
biết và chả ai cứu được con bà rồ đâu”. Mặt con bé tái mét không còn giọt máu,
hai tay quắp lấy ngực nằm co ro. Bỗng Tiến lùi ra, từ trong ruộng ngô, Trường bước
đến. Trường là phó chủ tịch UBND phường, trước là trưởng ban địa chính kiêm bí
thư đoàn phường mới được đề bạt nên còn rất trẻ. Nghe đâu là con cháu một lãnh
đạo trên thành phố mới về nghỉ hưu. Dưới ánh trăng suông, Trường vẫn nhìn rất rõ
thân thể non tơ đang run lên vì sợ. Hắn hau háu lật ngửa con bé lên, không cần
nói gì hắn đè lên chà, siết.... Đang chuẩn bị làm cái điều mà hắn không thể nào
trì hoãn thì may cho con bé, mẹ nó vừa vào trung tâm thành phố, có bả chủ nhà
nghỉ cho hai tải vỏ nhựa và ống bơ nên chở về luôn.
Không thấy Ngân Hà đâu,
linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành. Thắm chay ra bờ sông gọi toáng lên. Nghe
thấy tiếng mẹ gọi, Ngân Hà gào thét: “Mẹ ơi cứu con!”, Thắm sấp ngửa chạy tới. Trường
tiếc rẻ, hậm hực buông con bé ra vơ vội lấy quần mình. Tiến đang canh chừng chạy
xuống bóp mồm Ngân Hà dọa giết, còn kịp kéo áo bạt và túm đôi giầy của Trường chuồn
vào màn đêm biến mất. Thắm ôm chầm con bé, tim đập thình thịch, mắt hoa lên, ức
nghẹn không nói nên lời khi biết là bọn chúng. May mà tai qua nạn khỏi, con bé
hoảng loạn mất mấy ngày không ăn uống gì. Thằng Tiến, tên Trường, hôm đứng trên
đường nhìn vào lều Thắm thì thầm với nhau điều gì... Mấy hôm sau có chú cảnh
sát khu vực và bà tổ trưởng phụ nữ của khu ra lều nói với vào như lệnh: “Yêu
cầu chị dỡ bỏ lều và đi ngay khỏi thành phố. Lễ hội năm nay sắp đến rồi, không
thể để cái lều nhếch nhác bẩn thỉu xấu mặt phố phường, nếu sau ba ngày không
chấp hành chị sẽ bị cưỡng chế”.
Đêm về Thắm không sao ngủ được, một nỗi buồn chưa
bao giờ buồn thế xâm lấn cõi lòng. Ra đi, đồng nghĩa với việc xa đứa con trai
mà bấy lâu Thắm sống là vì nó, phận mỏng, sức còm biết sao đây!?
Chiều hôm sau, cũng chả thèm
dỡ lều, Thắm ấn quần áo và mấy thứ cần thiết vào hai bao tải, hai mẹ con lếch
thếch về quê.
Sau mấy tiếng đồng hồ đạp xe vất vả, cuối
cùng hai mẹ con cũng về được tới làng. Đến nhà anh trai, Thắm dựng xe ngoài
cổng đi thẳng vào gian giữa, úp mặt lên ban thờ cha mẹ khóc nấc lên. Anh chị
không có ở nhà. Đứa cháu cũng đã dọn xong cơm mời hai mẹ con, Thắm cầm bát cơm mà
không tài nào nuốt nổi. Nghĩ đến việc anh chỉ vì tiền mà thờ ơ đẩy mình tới
đường cùng, Thắm lại ức nghẹn và giàn giụa nước mắt. Chờ con ăn xong, Thắm quyết
định ra khỏi nhà mặc dù chưa biết về đâu… Đang loay hoay đồ thô trên xe thì ông
bà Thung hàng xóm ra hỏi chuyện. Ngày xưa bà Thung là bạn thân của mẹ Thắm, các
con của ông bà đều lấy vợ, lấy chồng và làm ăn xa. Thương tình, ông bà mời vào
nhà nghỉ tạm. Đêm đã vào canh, Thắm không thể nào chợp mắt. Cảm giác lạnh lẽo,
cô đơn không nơi nương náu đoạt chiếm tâm hồn. Trong giây phút yếu lòng, Thắm lấy
ra túi tiền còn hơn một triệu cóp nhặt bấy lâu, viết mấy chữ đặt trên bàn gửi
lại bà Thung…
Đắp lại tấm chăn cho con, búi lại mái tóc gọn gàng
Thắm mở cổng bước đi. Ngoài trời không trăng nhưng nhiều sao, dải Ngân Hà vẫn vắt
ngang bầu trời lung linh như dõi bước. Con đường mòn ra sông, xưa một thời chạy
nhảy, giờ là vệt trắng dài vòng qua cây gạo già trong đêm như dấu hỏi!? Thắm hững
hờ thả bước xuống bến sông, nơi ngày xưa mẹ ra đi để lại đôi thùng gánh nước. Giữa
danh giới mong manh bờ, nước, bất giác bến sông như chòng chành, mặt sông đen
ngòm dậy sóng, trong sâu thẳm lòng sâu trồi lên hình ảnh của mẹ đang dang tay ôm
hai đứa con của Thắm thét gào. Con đường trắng dài như dấu hỏi kia bỗng lượn lờ
lao xuống dòng sông rồi vồng lên cuộn vào Thắm từng vòng hỏi chấm…Bản năng
sống, nghị lực của người mẹ trong Thắm bừng thức vùng quay lại, chạy một mạch trở
về.
Ông bà Thung và Ngân Hà vẫn
đang ngon giấc. Thắm mở cửa, cất tiền vào túi, xé thư ném vào sọt rác rồi ôm ghì
đứa con nuôi như vừa vượt qua một cơn dài ác mộng.
Sáng sớm, Thắm quyết định quay
về thành phố trong tâm thế khác thường, đưa Ngân Hà về thẳng nhà mình.
Khôi đang ngồi trước cửa nhìn
ra nghênh nghếch cái mặt: “Bố cho em về à”. Thắm: “Không, tôi tự về”.
Bố chồng đang trong nhà thấy
tiếng Thắm, bước ra: “Ai cho phép mày bước chân về nhà này”. Thắm: “Không ai cả,
thưa bố! Con tự cho phép con. Con đã lấy anh Khôi, có đăng ký hẳn hoi, chúng
con đã có với nhau một đứa con, bố không có quyền đuổi hoặc ngăn cấm tình cảm của
con với chồng và với đứa trẻ. Từ nay con không đi đâu hết, sống là người của
nhà này, chết cũng là ma nhà này’’.
Thằng bé đã cao bằng mẹ
chạy ra ôm chầm lấy Thắm, Thắm vòng tay kéo Ngân Hà vào, ba mẹ con ghì siết lấy
nhau. Ông đứng ngây giữa nhà rồi loạng choạng ngồi phịch xuống ghế bừng tỉnh. Khôi khập khễnh lại gần đặt tay lên vai
Thắm, bàn chân thọt run run.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét