Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

"Giọt lắng" tình đời trong thơ Nguyễn Thế Yên

 XUÂN THU (Phú Thọ)
       
 










   
Năm 2010, Nguyễn Thế Yên (hội viên Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ) cho ra mắt tập thơ đầu tiên của mình. Tập thơ có tên gọi “Giọt lắng”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tôi được tác giả tặng một tập. Thường thì khi nhận sách thơ của bạn bè tặng tôi thường đọc lướt nhanh qua một lượt rồi để đầu giường nhấn nhá đọc lại, đọc thêm nhiều lần nữa. “Giọt lắng” của Nguyễn Thế Yên cũng vậy. Gần đây, khi công việc đỡ bận rộn hơn, tôi lại giở “Giọt lắng” ra nhâm nhi thưởng thức rồi thấy không thể không viết điều gì về tập thơ này.
      Đời thường Nguyễn Thế Yên khiêm nhường, chí cốt với bạn bè. Cho nên thơ anh cũng lặng lẽ như thế. Tuy nhiên, càng đọc thì càng thấy những giọt lắng tình đời càng thấm đẫm trong thơ anh.
Nổi bật nhất trong tập thơ này là tình cảm của anh dành cho gia đình: cha mẹ, vợ con, sau đó là quê hương và những người thân của anh. Có lẽ, tình cảm anh dành cho gia đình là sâu nặng nhất, ấn tượng nhất. Đây là những câu thơ về cha mẹ anh:“Cả cuộc đời mẹ cha lam lũ/ hạt thóc bẻ đôi/ khoai sắn nối dài/ chúng con lớn lên mang cái tâm của đất/ thương ông, bà, cha, mẹ/ đắp đời sau/ Đường thác ghềnh mẹ cha dẫn lối/ chúng con đi không lạc bước dặm trường”. Để rồi “Ngày cha mất/ con đi làm xa lắm/ mờ mịt Lào Cai mây núi chập trùng/ trời tháng bảy mưa dầm tắc lối/ ba ngày đường/ về… / ướt sũng mộ cha/ Giữa chơi vơi con gọi rạc đường chiều”. Đọc những dòng thơ này tôi cùng cảm nhận xót xa với tác giả. Có nỗi đau nào hơn khi người sinh ra ta về với tổ tiên mà ta không có mặt? Không biết tạo hóa với tác giả thế nào để cho cha anh mất “giữa trời tháng bảy mưa dầm” khi mà anh còn đang công tác ở Lào Cai để ba ngày lặn lội vượt qua tắc đường mới về được. Ba ngày đủ để cha anh “mồ yên mả đẹp” nhưng không, ba ngày ấy đã “ướt sũng mộ cha”. Ướt vì nước mưa dầm hay ướt vì nước mắt anh khóc cha? Có lẽ cả hai. Hình ảnh này thật đau thương đọc như xoáy vào độc giả. Câu thơ tiếp theo khắc họa hình ảnh anh “giữa chơi vơi con gọi rạc đường chiều”, “gọi rạc đường chiều” về thơ là hay lắm, gợi lắm, trên thực tế thì quả cũng thực như vậy để rồi anh “gói nỗi đau con/ lặng lẽ đường dài”. Với cha anh đã vậy, còn với mẹ anh thì sao? Bài “Trời trở gió đưa mẹ đi” cũng mênh mang nỗi buồn, cũng thăm thẳm niềm đau như nỗi mất cha. “Sông vẫn chảy ngang nhà ran rát nước/ Mẹ nằm giường lật trở nỗi trần gian”. Đó là những ngày mẹ anh ốm. “Ran rát nước”, “lật trở nỗi trần gian” rất gợi. “Tuổi chín tư lặng lẽ cuối dặm trường/ Cốc nước mát con dâng mẹ không cần nữa/ Gió đã đem về cả một trời mưa/ Đưa mẹ đi đầm đìa ngõ xóm”. Lại mưa. Cha anh mất mưa. Mẹ anh mất cũng mưa. “Trong mưa gió luênh loang dòng lệ/ Tấm thân gầy nhẹ bước mẹ đi”. Giây phút biệt ly tiễn đưa cha mẹ anh về trời sao ảm đạm và thê lương quá. Lời thơ không cần nhiều (mà có nói được gì đâu mà phải viết nhiều) nhưng nỗi đau thì vô tận. Thời điểm thiêng liêng này chỉ cần ghi lại những cảm xúc thật của mình thì đã thành thơ rồi. Nguyễn Thế Yên là thế, mượn thơ để tạ từ, để than khóc mẹ cha, để mà “gọi rạc đường chiều” mẹ cha lần cuối.

      Đấy là nỗi đau mất cha, mất mẹ của anh, Nguyễn Thế Yên còn nỗi đau tột cùng nữa là nỗi đau mất con, nỗi đau "lá xanh rụng trước lá vàng". Anh có hai con trai thì một đứa đã bị chết đuối khi đang ở tuổi mười tám, đôi mươi ở ngã ba sông Bạch Hạc (không tìm thấy xác), một đứa (có vợ và một con gái và một con trai rồi - cũng may là điều an ủi phần nào) bị ung thư máu cũng vừa mới ra đi. Tập thơ này ra đời khi anh đang trong những ngày căng thẳng nhất, lo âu nhất - những ngày đưa cháu đi xạ trị ở bệnh viện. Thế cho nên tình thương con, nỗi đau mất con dồn tất cả lên những con chữ.
“Bên bờ nghiệt ngã” là bài thơ anh viết cho đứa con thứ nhất. “Con ta đâu hỡi dòng sông ngầu đỏ?/ Hỡi Hạc Trì, bến đá, cầu đen?/ Ngã ba sông, ôi một ngã ba lòng/ Đã ôm mãi đứa con ta khốn khổ”. “Hỡi Chúa Trời/ Chúa Đất có linh thiêng?/ Sao lặng đứng nhìn con chiên oan khất/ Sao lại nỡ khép vòng tay cứu vớt/ Để con gào vỡ cả khoảng trời sâu…/ Con yêu ơi, thằng dại của cha/ Sao lặn mãi không về với mẹ?”. Mỗi câu thơ, mỗi con chữ như những nhát dao cứa vào anh. Tôi đọc những dòng này mà nghe thấy cả tiếng anh đang kêu gào thảm thiết, hỏi chúa Trời, hỏi chúa Đất, hỏi dòng sông, hỏi bến đá, hỏi cầu đen rằng con tôi đâu, sao lại nỡ oan nghiệt đến thế này? Đau, đau lắm. Đọc mà trào dâng nước mắt xa xót cùng anh. Đến những ngày chăm sóc cứu đứa con thứ hai của anh ở bệnh viện Hà Nội, Nguyễn Thế Yên đã có một chùm bài như viết từ máu mình ra. “Giọt máu và bước chân đêm”, “Cõi đêm”, “Hà nội giờ tan tầm”… Những đêm thức trắng chăm con đã cho anh những dòng thơ này: “Từng giọt máu/ đang truyền vào con tôi và những người bệnh quanh tôi/ là của ai?/ Từng bước chân trong đêm/ bập bừng sự sống con tôi và từng người bệnh quanh tôi/ là của ai?/ Đồng loại!” (Giọt máu và bước chân đêm). Ai ở trong hoàn cảnh của anh mới thấm thía cái giá trị của từng giọt máu, cái thiêng liêng của từng giọt sống và càng trân trọng hơn những bước chân đêm của những người chiến sỹ áo trắng đang chiến đấu cứu vớt sự sống con người. Cái nghĩa đồng loại ở đây thật cao quý biết nhường nào. Ai đó đã từng nói nhà thơ yêu thương, đau đớn vật vã… tất cả thể hiện trên trang giấy. Nhà thơ dễ lộ nhất. Ai thế nào thì thơ thế ấy, không thể giấu được, tính tình tâm trạng nó hiện lên trên từng con chữ qua mỗi câu thơ. Nguyễn Thế Yên cũng thế vì thơ anh đã thế thật rồi, anh đang phải "vịn câu thơ mà đứng dậy".
      Những đêm thức trắng bên con như vậy đã cho anh “Kéo dài đêm ra/ đêm đỡ tối/ Sống nhiều hơn và thấy cũng nhiều hơn”. Tôi bị bất ngờ bới sự liên tưởng mới mẻ này của anh “kéo dài đêm, đêm đỡ tối”. “Ngồi trong đêm khuya/ yên tĩnh quá/ bớt cô đơn nhưng lạnh lẽo hơn người/ ta có thể ung dung mà khóc/ nước mắt rơi ai biết của đàn ông”. Chao ôi, sự thật đến oan nghiệt, đến se lòng. Thì cứ khóc đi Thế Yên ơi, khóc cho con anh và khóc cho thân phận một kiếp người. Trong kia, từng giọt của sự sống đang lắng đọng, đang cố bám lấy để trỗi dậy. Ung thư là cái án tử hình với mọi người. Con anh cũng mắc cái án ấy. Biết con sẽ chết mà người cha không làm thế nào được, vẫn cứ day dứt như người bị mắc tội. Thế thì cứ khóc đi, nước mắt đàn ông hay đàn bà cũng vậy, cũng đớn đau lắm phải không anh? “Càng sống chậm/ càng khát thèm cuộc sống/ nhưng buồn đau cũng dai dẳng lâu già”. Xin được thêm một lần chia sẻ với anh những đau thương mất mát này.

      Với cha mẹ, với con là thế, còn với vợ anh thì sao? Bài “Những ngày vắng em” anh viết: “Tuổi trẻ anh biền biệt xa nhà/ Ba lô trên vai, đường dài tít tắp”. Thế đấy, chỉ đôi dòng giới thiệu thôi ta có thể hiểu được cảnh “ông Ngâu bà Ngâu” của vợ chồng anh. “Nơi heo hút chiều buồn lặng lẽ/ Đêm âm thầm mòn giấc ngủ nhớ em”, “mòn giấc ngủ nhớ em” là rất khá, rất ấn tượng. “Nay gối mỏi chân chồn, hồn thu ẩn/ Bốn mùa qua mưa nắng, mảnh vườn nhà/ Ngày vắng em cây vườn không gió/ Chẳng có chim ca, ong bướm cũng không về/ Căn nhà nhỏ mình bên nhau sớm tối/ Bỗng trống hoang khi thiếu ánh em cười/ Anh muốn chạy ra đường trong khuya vắng…” (Những ngày vắng em). Thế đấy, giờ anh càng hiểu hơn những ngày vợ mình mòn mỏi đợi chờ chồng như thế nào. Mới có mấy ngày vắng em thôi mà “vườn không gió”, chim không ca, “ong bướm cũng không về”, để “nhà trống hoang” rồi muốn chạy tìm em trong khuya vắng. “Ánh em cười” rất lạ, rất hình ảnh.

      Với bạn bè, quê hương, Nguyễn Thế Yên cũng dành khá nhiều bài thơ trong tập để ngợi ca, để tâm sự giãi bày. “Bên dòng Thao làng tôi bé nhỏ”, một ngôi làng theo anh giới thiệu thì: “Đường làng nhỏ, cổng mỗi nhà để ngỏ/ Dân làng Hiền thật như tấm rào thưa/ Cuộc sống mới sinh sôi từ đất cũ/ Tình xóm làng thơm thảo bát canh khoai”, một khung cảnh thật thanh bình yên ả. “Đất quê nghèo câu ghẹo cũng thương nhau/ Hoa cau trổ, vườn trầu ai cuống quýt” (Tôi đang phân vân do lỗi nhà in hay chủ ý của tác giả cái từ “cuống quít” hay “quấn quít”, nhưng có lẽ “cuống quít” hợp hơn, tâm trạng hơn, động hơn) để rồi “Quá nửa cuộc đời ra đi từ đó/ Vẫn thèm về ôm mảnh đất ngày xưa” (Làng quê tuổi thơ). Ta còn bắt gặp tình cảm của anh dành cho quê hương qua các bài như "Việt Trì quê anh”, “Trái bóng cuối chiều”, “Đền Hùng khoảng lặng”… trong đó “Đền Hùng khoảng lặng” viết rất khá. Anh đi hội Đền Hùng muộn, “khuya về/ đất trời trầm mặc/ những phiêu diêu tìm giếng cổ ẩn mình/ chỉ còn tiếng côn trùng/ chỉ còn tiếng mưa/ tiếng gió/ tiếng lòng rung rung”. Chính cái khung cảnh tĩnh lặng đến vô cùng ấy mới thỏa sức cho nhà thơ thả hồn nghe “mưa/ rì rầm cọ rửa/từng bậc đá rùng mình/ từng cây lá rùng mình/ mặt đất rùng mình/ Phế rác co mình/ gió xuôi rừng dồn thả/ Đền Hùng thung dung/ thanh tịnh…”.

      Nguyễn Thế Yên sống chan hòa, cởi mở, hết lòng với bè bạn nên thơ anh viết về bè bạn cũng chân chất, tếu táo và sâu sắc như tình anh dành cho mọi người. Tôi rất thích bài “Gã khờ” của anh. Đây như là bản tự họa, tự thú nỗi lòng anh với người đẹp. Các bài khác như “Vịnh và em”, “Nửa nhớ quán”, “Xuân thì”, “Vòng tay ú tim”… cũng trong cái tạng như thế. Ở “địa hạt Tình yêu” này có lẽ phải để dịp khác dành riêng một bài viết về những bài thơ tình của Nguyễn Thế Yên mới đủ điều kiện để luận bàn và thưởng thức.

      “Giọt lắng” tập thơ đầu tay với 32 bài xinh xắn của Nguyễn Thế Yên, nguyên những bài viết về gia đình, quê hương đã đủ nói nên sự thành công của anh. Anh viết thơ thể tự do rất khá, tạng này rất hợp với anh, thỏa sức cho ngòi bút của anh tung tẩy. 27 bài trong tổng số 32 bài của tập ở dạng này đã nói lên điều đó (cả tập chỉ có 3 bài lục bát, 2 bài thơ năm chữ). Chỉ với “Gã khờ”, “Đền Hùng khoảng lặng”, “Cõi đêm”, “Giọt máu và bước chân đêm”, “Cha về cuối lối”, “Vịnh và em” đã là những cái “đinh” đủ sức cho tập thơ đứng vững, in sâu trong lòng độc giả.

      Mặc dù cuộc đời anh gặp nhiều nỗi đau mất người thân nhưng thơ anh vẫn toát lên niềm yêu đời, yêu người da diết và niềm tin vẫn vững ở tương lai. Trước khi khép lại tập thơ đầu tay của mình, hẳn anh phải có ý khi đặt bài thơ “Ngày sang” ở cuối tập với những câu thơ đầy niềm tin và hy vọng. “Một ngày mới ùa vào khung cửa/ Có tiếng chim, nắng gió, hương đồng/ Ta thức dậy trong rộn ràng tim đập/ Nỗi hôm qua u ám đã úa già/ Ngoài kia cửa mênh mang đời non mỏng/ Thế thái muôn loài cốt ở nhân tâm/ Mở rộng nữa vòng tay dài rộng nữa/ Mỗi ngày sang thêm nữa những yêu thương”.

     Vâng, nhất định là thế “mỗi ngày sang thêm nữa những yêu thương”. Tất nhiên rồi, những “giọt lắng” tình đời trong thơ anh sẽ thấm sâu lan tỏa trong tâm hồn độc giả để “mở rộng nữa vòng tay dài rộng nữa” cho cuộc đời này mãi đẹp phải không anh. Xin chúc mừng và chia sẻ với Nguyễn Thế Yên qua tập thơ “Giọt lắng” đầy tâm trạng và niềm mến yêu này. Hy vọng anh sẽ chắt lọc, chưng cất “giọt lắng” này để có thêm nhiều tác phẩm thơ hay hơn nữa.

2 nhận xét:

  1. Chú Yên ơi! Cháu đọc thơ chú cháu đã phải khóc, nay đọc lời bình tập thơ cháu lại thêm một lần rơi lệ.Tập thơ đã chinh phục người đọc bằng cánh dùng từ và sự lắng, mở của cảm xúc, bài viết cũng vậy cảm ơn tác giả và chúc chú hãy vịn tình thơ mà đứng dạy...

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Thế Yênlúc 20:11 4 tháng 8, 2011

    Cảm ơn cháu chip chip.

    Trả lờiXóa